Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Xây dựng lớp học thân thiện-học sinh tích cực

1.LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1.CƠ SỞ LÍ LUẬN
 “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là chủ trương các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm, nhắc nhở toàn ngành thực hiện. Với mong muốn động viên khuyến khích giáo viên, học sinh cùng với lực lượng ngoài xã hội tham gia xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, hình thành và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập.
Hưởng ứng cuộc vận động trên, trường THPT Vĩnh Xuân 4 năm liền đạt danh hiệu “trường học thân thiện, học sinh tích cực” xuất sắc. Đây là sự thành công lớn của nhà trường, với sự lãnh chỉ đạo từ Hiệu trưởng các lớp tiếp tục đi sâu thực hiện phong trào “ lớp học thân thiện, học sinh tích cực”
Vậy lớp học thân thiện được hiểu như thế nào? Đó là nơi mà học sinh được tạo điều kiện sống khỏe, vui vẽ, tích cực học tập và tham gia các hoạt động phong trào, được giáo viên bộ môn giảng dạy nhiệt tình, tôn trọng, được tạo điều kiện phát huy sở trường, được xem là nhân vật trung tâm. Lớp học thân thiện chỉ khi các em học sinh tự nhận ra rằng các em có quyền được bảo vệ, trong môi trường an toàn và phải đối mặt với những thách thức để nâng cao kĩ năng. Thân thiện chỉ khi kết hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện.
            -Lớp học thân thiện là một cách tiếp cận trên cơ sở học sinh được tôn trọng và khuyến khích, hài lòng với việc học tập, giáo viên nhiệt tình dạy dỗ, gia đình và cộng đồng nhiệt tình hỗ trợ để các em có thể phát triển hết tiềm năng của mình.
            -Trong môi trường đó học sinh tích cực hoạt động chủ động, sáng tạo trong học tập; xây dựng và nâng cao dần thói quen tự học, ý thức tìm tòi, tự đề xuất và giải quyết vấn đề nhằm đạt được kết quả học tập cao nhất.
          - Học sinh hăng hái nhận phần việc cụ thể, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở điạ phương.
         - Học sinh tham gia việc bảo vệ và làm sạch đẹp thêm cảnh quan, môi trường ở nhà trường và nơi công cộng; giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp.
         - Học sinh nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao nhất là các hoạt động văn nghệ, vui chơi dân gian.
        - Học sinh có đóng góp tích cực cho các hoạt động tập thể của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của Nhà trường và của cộng đồng ở địa phương.
Như vậy để xây dựng “lớp học thân thiện, học sinh tích cực” GVCN cần phải sáng tạo, nhiệt tình, kiên trì, thấu hiểu từng thành viên trong mọi hoạt động.
1.2.CƠ SỞ THỰC TIỄN
Đối với trường vùng sâu, xuất thân của học sinh phần lớn từ nhà nông chân lấm tay bùn, ngoài việc học trên lớp các em phải chạy đôn chạy đáo làm thuê cùng cha mẹ để kiếm thêm thu nhập. Em nào cũng thế, chỉ tài bắt cua, bắt ốc, giữ em chứ kĩ năng sinh hoạt tập thể, hoạt động phong trào, thể thao,… hầu như còn rất xa lạ. Các em vui thì cười hô hố, buồn thì khóc kể lê thê, muốn nói thì nói ồn ào, giận thì la toáng lên … các em chưa xem lớp học là nhà, chưa mạnh dạn sáng tạo, yếu kĩ năng sống. Những học sinh giỏi chỉ biết lo học và học, các em quan niệm tham gia phong trào sẽ sao lãng việc học tập và như “mọt sách” “ mặc kệ” phong trào bản thân học giỏi là được.
Chính vì thế cần phải xây dựng một lớp học thân thiện thực sự để giữ chân và giáo dục các em trở thành những công dân kiểu mẫu.
Hơn tất cả, giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò chủ đạo góp phần nên sự thành công của phong trào. Làm sao để lớp học tập tích cực, sáng tạo và hiệu quả khi tham gia phong trào, thắng không kiêu, bại không nản, tự tin vận dụng trí óc sáng tạo. Làm sao để những học sinh cá biệt mạnh dạn nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa, đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt biết đương đầu khó khăn và thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Làm sao để em xem lớp học là nhà, thầy cô, bè bạn là những người thân trong gia đình,… đó là điều bản thân tôi trăn trở khi làm công tác chủ nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của nhà trường “ xây dựng lớp học thân thiện, học sinh tích cực”.
            Ấn tượng từ lớp học thân thiện của tôi đó là một tập thể đáng yêu, biết lắng nghe và chia sẻ, năng động và hiệu quả với tất cả các phong trào. Ở đó chỉ có tình yêu, sự bao dung, lòng nhiệt huyết của các thành viên. Tôi quan niệm rằng “hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập”. Qua một năm thực hiện lớp 10A1 của tôi đạt rất nhiều kết quả tốt đẹp, nổi bật là danh hiệu “xuất sắc” trong phong trào xây dựng lớp học thân thiện. Tôi xin chia sẻ cùng quí đồng nghiệp qua chuyên đề “xây dựng lớp học thân thiện học sinh tích cực”.
1.3. THỰC TRẠNG.
Trong quá trình thực hiện giáo viên phải nắm rõ đặc điểm tình hình, thuận lợi và khó khăn để có kế hoạch thực hiện phù hợp.
1.3.1.Thuận lợi:
            -Kế thừa truyền thống tốt đẹp của nhà trường hơn 10 năm qua, một tập thể đoàn kết, nhiệt tình và sáng tạo luôn có khát vọng vươn lên, có bề dày thành tích.
            -Ban giám hiệu đề ra kế hoạch, tập huấn và theo dõi uốn nắn, khen thưởng kịp thời là động lực để giáo viên và học sinh hoàn thành nhiệm vụ.
            -Đoàn TN tổ chức rất nhiều sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, mang tính giáo dục cao.
            -Giáo viên bộ môn dạy lớp rất nhiệt tình, yêu nghề, tạo mọi điều kiện để học sinh phát huy khả năng, phù hợp với từng đối tượng
            -Phụ huynh học sinh quan tâm, ủng hộ các hoạt động của lớp về vật chất lẫn tinh thần.
            -Sự phát triển của công nghệ thông tin đảm bảo cho việc kết hợp các môi trường giáo dục được thuận lợi hơn.
            -Lớp 10A1 có 44 thành viên, 30 học sinh nữ. Tập hợp nhiều học sinh khá giỏi của các trường THCS vào đây tạo không khí thi đua trong học tập. Đồng thời các em cũng tự tin và năng động, thích tham gia phong trào, say sưa sáng tạo, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong các hoạt động.
            +Học sinh có năng khiếu TDTT (Thanh Hoàng, Văn Hoàng, Nhật tân,…) văn nghệ (Thanh Tuyền, Hồng Nhung, Cẩm Nhung, Thúy Anh, Thiên Như,…), quản trò (Anh Thư, NHậT Thủy,…), công nghệ thông tin (Thanh Hoàng, Đăng Khoa), trang trí (Cẩm Ngân, Đăng khoa,…)
            +Ý thức tự học tự rèn tốt thuận lợi cho việc thực hiện các kế hoạch chung.
1.3.2.Khó khăn:
            -Mới vào lớp 10, việc thay đổi cấp học, chương trình, môi trường học tập nên các em còn rất nhiều bỡ ngỡ, chưa mạnh dạn đề xuất, sáng tạo trong các hoạt động.
            -Thiếu đoàn kết, chơi nhóm (học sinh cùng trường THCS), chưa đồng lòng. Vì thế giáo viên cần tìm hiểu và đưa các em về một “mối”
            -Chênh lệch về giới, lớp chỉ 14 học sinh nam.
            -Một số học sinh thiếu năng động, ngại phát biểu ý kiến, ngại tham gia phong trào, thiếu hoạt bát.
            -Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa , cha mẹ li hôn nên rãnh các em phụ gia đình ít tham gia phong trào, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, lại quá nghèo các em phải tự bươn chảy trong cuộc sống nên các em có thái độ bất cần, dễ bốc đồng, bướng bỉnh, thiếu thời gian đầu tư cho việc học và giới hạn việc tham gia các hoạt động ngoại khóa .
              -Một số phụ huynh không có điều kiện quan tâm, chăm sóc việc học của con em (phải đi làm xa). Học sinh gặp khó khăn về thời gian cả vật chất khi tham gia hoạt động ngoại khóa.
-Sự phát triển của CNTT cũng như những phương tiện truyền tải thông tin rất đa dạng dẫn đến việc học sinh có những diễn biến tâm sinh lí rất phức tạp đòi hỏi phải kết họp chặt chẽ các môi trường giáo dục cũng như GVCN và các Đoàn thể.
-Sự suy đồi về đạo đức, lối sống của tầng lớp thanh niên ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức học sinh, chính lối sống thực dụng, cá nhân ích kỉ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện phong trào.
                         2.GIẢI PHÁP:
2.1.Quản lí toàn diện học sinh lớp chủ nhiệm:
GV chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông là nhà quản lý không có dấu đỏ”. Thật vậy, giáo viên chủ nhiệm là “linh hồn” của lớp học, như một nhà quản lý với các vai trò: Người lãnh đạo; Người điều khiển; Người làm công tác phát triển lớp học; Người làm công tác tổ chức lớp học; Người giúp hiệu trưởng bao quát lớp học; Người giúp hiệu trưởng thực hiện việc kiểm tra sự tu dưỡng và rèn luyện của HS; Người có trách nhiệm phản hồi tình hình lớp,…Trước vai trò, sứ mạng đó tôi đã:
-Tìm hiểu, nắm vững hoàn cảnh từng học sinh. Công tác này có tác động rất lớn đến việc quản lí, điều hành và lập kế hoạch thực hiện cho lớp về mọi mặt một cách sát thực. Tôi đã đến nhà của các học sinh, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, về cách sống, về các quan hệ giao tiếp của học sinh mình. Đến nhà học sinh để lắng nghe những tâm sự, để hiểu, để bày tỏ sự quan tâm và để phối hợp cùng gia đình học sinh, đặc biệt học sinh sẻ cảm nhận được cô chủ nhiệm rất quan tâm đến mình và bản thân mình phải xứng đáng hơn.
-Đối thoại cùng học sinh để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng phản ảnh với giáo viên bộ môn, đoàn thể, hiệu trưởng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh cùng như tạo môi trường an toàn cho học sinh phát triển toàn diện.
-Xây dựng đội ngũ ban cán sự lớp nhiệt tình, năng nỗ. Cán sự lớp là tổ trưởng thay đổi hàng tháng để phát huy vai trò làm chủ tập thể. Chủ nhiệm tập huấn kĩ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, các thành viên phải lập kế hoạch hoạt động tuần, tháng.
-Quản lí lớp bắng các biện pháp giáo dục kĩ luật tích cực bằng sự quan tâm, động viên, uốn nắn khi các em có những sai phạm. Nếu phạm lỗi về nề nếp hãy giáo dục em bằng những câu chuyện giá trị về đạo đức do giáo viên chủ nhiệm yêu cầu (các em sẽ đọc và ghi nhận những câu chuyện này từ thư viện). Nếu lỗi về học tập hãy để các em sữa chữa bằng đăng kí phấn đấu trong tuần, phân công học sinh học kèm cùng bạn. Hãy giúp học sinh tự nhìn thấy vai trò trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, tập thể có thể mất nhiều thời gian nhưng sự thay đổi đó mới thật tâm và hiệu quả.
2.1. Lập kế hoạch hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn xây dựng lớp học thân thiện
Giáo viên CN nắm vững các tiêu chuẩn lập kế hoạch bám sát từng tiêu chuẩn
2.1.1Xây dựng lớp học xanh, sạch đẹp và an toàn:
   -Xác định rõ yêu cầu của việc xây dựng môi trường lớp học an toàn, sạch đẹp, thoáng mát. Tham gia giữ gìn vệ sinh, làm đẹp trường lớp. Bằng việc làm cụ thể và mang tính tự giác. Tôi tổ chức cho các em lên kế hoạch và phân công, tôi ở vị trí cố vấn.
      +Nội dung: bản tin học tập, treo cờ nước, ảnh Bác, treo dây leo, mặt bàn, bình hoa.
      +Lau lớp sạch sẽ, cạo bã cao su
      +Sinh hoạt và phân công giữ gìn cơ sở vật chất: chìa khóa lớp, tắt đèn, quạt.
      +Tham gia tích cực buổi lao động vệ sinh trường, trồng hoa.
  -Phó lao động trực tiếp kiểm tra nhắc nhở, phê bình, biểu dương vào sổ của mình trình cho GVCN duyệt. Để lớp học thoáng mát, đẹp mắt, hài hòa giáo viên chủ nhiệm cần giáo dục học sinh óc thẩm mỹ, góc nhìn nghệ thuật tạo không gian lớp học thân thiện.
2.1.2.Mỗi học sinh tự tin, năng động, sáng tạo, chủ động trong học tập
    Giáo viên cần giúp học sinh nâng cao ý thức tự học, tự rèn, xác định đúng động cơ học tập trong môi trường thân thiện, cạnh tranh để tiến bộ bằng ý chí cầu tiến và nghị lực.
    Tôi xác định việc giáo dục giá trị sống là điều quan trọng và có ý nghĩa nhất.
 -Học sinh phải cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng từ đó các em sẽ biểu lộ, thể hiện chính mình, mạnh dạn sáng tạo. Để nhận thông tin từ phía học sinh tôi phải tạo cảm giác an toàn cho các em khi vui chơi, học tập và phát biểu ý kiến.
-Tạo cảm giác có giá trị đối với từng học sinh. Thông qua ban cán sự, tạo điều kiện để các em phát huy khả năng, phấn khởi vì được nhận nhiệm vụ phù hợp với sở trường.
               “Tài năng học đường” – Học sinh tự dàn dựng.
-Không có thất bại nào là vĩnh viễn. có chăng là không biết đứng lên sau mỗi lần thất bại. Khi giao nhiệm vụ cho các em giáo viên phải tâm niệm điều đó. Hẫy để các em tự làm mọi việc giáo viên ở vai trò cố vấn và thể hiện sự tin tưởng toàn tâm, toàn ý vào các em. Khi được giáo viên tin tưởng các em sẻ không ngại phát huy sở trường. Giao việc cho cán sự hình thành kĩ năng hợp tác, lập kế hoạch và xác định trách nhiệm.
+Cán sự đề ra các hoạt động dò bài, học tổ nhóm, báo cáo phương pháp học tốt bằng các chuyên đề cấp lớp (phương pháp học tốt môn Toán, Lí, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Sử-Địa), đố vui ôn tập ứng dụng công nghệ thông tin bằng các trò chơi (đối mặt, vượt chướng ngại vật, ô chữ,…)
+Giáo viên chủ nhiệm phải kiên trì xem và duyệt kế hoạch hàng tuần, 15 phút đầu giờ giải quyết các trường hợp vi phạm, khuyết điểm trong học tập, nắm rõ tình hình lớp ở mọi khía cạnh.
 +Để thúc đẩy kết quả học tập giáo viên phải kết hợp các môi trường giáo dục, thông qua giáo viên bộ môn nắm tình hình của lớp, liên hệ với gia đình nhẹ nhàng tìm ra biện pháp giải quyết những tồn tại trong học sinh cũng như góp quĩ của mạnh thường quân khen thưởng động viên kịp thời những tiến bộ của các em
   -Tạo điều kiện để học sinh tiếp cận công nghệ thông tin chọn học sinh có thành tích nổi bật môn tin học báo cáo cách truy cập thông tin trên internet hỗ trợ cho việc học.
2.1.3.Rèn kĩ năng sống cho học sinh
    Kĩ năng sống (sinh hoạt tập thể, giao tiếp, ứng xử,…) quan trọng trong sự hình thành nhân cách của học sinh.
        -Tôi khuyến khích để các em xác định được mục tiêu cần vươn đến trong học tập và tương lai khi bước vào đời. Làm được điều đó bản thân học sinh phải biết vạch kế hoạch cá nhân trong học tập, lập kế hoạch hoạt động cho tổ, nhóm, lớp. Mỗi học sinh phải có thời gian biểu riêng và chia sẻ cho các bạn rút kinh nghiệm.
        -Tổ chức chuyên đề văn hóa lớp học về cách xưng hô giữa bạn bè, giao tiếp với thầy cô; Tình bạn và tình yêu lồng ghép với tiết sinh hoạt lớp chuyên đề “ bạn gái lớp tôi” “bạn hay yêu”, tập xử lí tình huống trong cuộc sống và lao động.
        -Sức khỏ
   Thi “thanh niên với văn hóa giao thông”
e là yếu tố quan trọng để con người học tập, vui chơi qua chuyên đề “ ý nghĩa thể dục giữa giờ” thông tin an toàn thực phẩm, tham gia thực hiện an toàn giao thông qua phong trào “ thanh niên với văn hóa giao thông”.
        -Bằng nhiều sân chơi như hùng biện về “ môi trường”, phân loại rác, hay đổi chổ ngồi hàng tuần tạo điều kiện để các em sống thân thiện, bỏ dần việc chia phe phái trở nên gần gũi và yêu thương nhau, giúp nhau cùng tiến bộ và tránh xa những mâu thuẫn phát sinh bạo lực. Một tập thể đầy tình yêu, đầy tiếng cười.
   Thông qua các tiết sinh hoạt lớp tôi giáo dục tinh thần yêu thương con người ở các em. Các hoạt động quyên góp ủng hộ học sinh nghèo, đồng bào lũ lụt, đồng bào Nhật Bản gặp thiên tai, các em ủng hộ rất nhiệt tình và dẫn đầu các lớp trong trường.
         -Ví dụ: ủng hộ quĩ “tiếp sức đến trường” tôi cùng góp vốn với các em, thành lập ban vận động, ban này báo cáo tổng kết (buồn vui khi vận động) hàng ngày. Từng nhóm tổng kết số tiền quyên góp từ đó các em tự thi đua với nhau xem nhóm nào nhiều hơn.
        -Sau mỗi lần quyên góp tôi luôn đề cao tinh thần nhân đạo, phê trực tiếp vào sổ liên lạc, báo cáo với gia đình trong các cuộc họp phụ huynh học sinh và “cảm ơn anh (chị) những người cha người mẹ nhân hậu”. 
                                                                   
Lớp trưởng (Thanh Tuyền) đại diện lớp góp quĩ
ủng hộ đồng bào Nhật Bản gặp thiên tai

  


2.1.4.Tổ chức hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh:
   Với các hoạt động tập thể tôi phát huy tối đa vai trò của các ban, mỗi ban đều có trưởng ban và các thành viên đều phải vạch kế hoạch hoạt động có tổng kết, đánh giá. Tinh thần tham gia ‘ thắng không kêu, bại không nản” các em rất thành công qua “tài năng học đường” “kể chuyện Bác Hồ” “ tiếp sức đến trường”,…tổ chức ngoại khóa kỉ niệm ngày 20/10, 8/3.
Hoạt động giao lưu kết nghĩa
         Các em sẽ mến lớp khi xem đó là nhà, bạn bè là anh chị em. Tôi tổ chức các em chăm sóc bồn hoa của lớp, kết nghĩa cùng lớp 11A2 giao lưu học tập, thể dục thể thao, hỗ trợ nhau trong các buổi lao động. Và ấn tượng nhất đối với các em khi cô chủ nhiệm tổ chức sinh nhật tuổi 16, tự tay tôi và ban ẩm thực của lớp tổ chức nấu ăn, các em còn lại dọn phòng học, trang trí, chuẩn bị bàn ghế không khí thật ấm cúng đầy nghĩa tình với những trò chơi của tuổi học trò.
2.1.5.Tìm hiểu, giữ gìn và phát huy các giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương.
         Để học sinh thấy được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn và tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, thể hiện lòng chân thành biết ơn với những người đã hi sinh cho độc lập dân tộc tôi tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện Trà Ôn, kể chuyện anh hùng thiếu niên Đoàn Văn Hổ và khẳng định với các em để độc lập hôm nay bao người đã ngã xuống. Qua đó nhắc nhở trách nhiệm của thanh niên trong việc học tập xây dựng đất nước, trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống vì mục đích cao cả độc lập dân tộc
         Tổ chức tìm hiểu về truyền thống nhà trường, các giá trị cốt lõi mà nhà trường vươn tới cũng như ý nghĩa của logo.
2.2. Gắn phong trào với nhiệm vụ năm học của từng học sinh
         Kế hoạch “ xây dựng lớp học thân thiện, học sinh tích cực” sẽ thực hiện thành công khi nó có sự ràng buộc đối với học sinh, đưa vào tiêu chí thi đua của lớp. Tôi phát huy tối đa quyển sổ chủ nhiệm, ghi nhận kĩ càng tất cả các hoạt động của lớp, của các thành viên lớp để đánh giá hạnh kiểm và sự tiến bộ của các em.
         Tôi theo dõi sát các hoạt động của lớp, cá nhân cẩn thận ghi vào sổ liên lạc báo với gia đình học sinh. Kịp thời động viên uốn nắn cũng như khen thưởng các em hàng tuần, những ai tham gia phong trào, tích cực hay không tích cực, khuyết điểm khi ra sân đấu hay trên sân khấu tôi đều góp ý cẩn thận để các em chỉnh sửa và hoàn thiện.
2.3.Phối hợp các môi trường giáo dục
         Kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong nhà trường trong các hoạt động phong trào. Tranh thủ để học sinh được tham gia tất cả các phong trào của đoàn, hội. Mỗi phong trào đều được tổng kết và đánh giá rút kinh nghiệm, mỗi lần như thế các em trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn.
         Vai trò của phụ huynh học sinh rất quan trọng cho sự thành công của phong trào này họ là những người ủng hộ về tinh thần, sức người và sức của. Năm qua hai lần đại hội phụ huynh để báo cáo kết quả học tập. Thường xuyên mời ban đại diện dự tiết sinh hoạt lớp để nghe báo cáo, động viên học sinh. Các buổi dã ngoại, cấm trại đều mời phụ huynh vào để lấy ý kiến, họ đóng góp rất nhiệt tình. Tôi quan niệm rằng việc mời phụ huynh vào để báo cáo thành tích và việc làm tốt của con em họ đó là món quà mà phụ huynh thích nhất.             
                                                                                       Tự tin tham gia “cầu tình bạn”
         Giáo viên chủ nhiệm cũng cần chú ý trong giao tiếp với phụ huynh phải nhiệt tình và thân thiện. Nhập vai người thân để nói về học sinh, với vai trò chủ nhiệm để bàn biện pháp khắc phục, với vai trò người bạn để sát cánh cùng học sinh, như thế mới tạo được lòng tin đối với phụ huynh học sinh. Đừng “hậm hực” khi nói về con họ, cứ xưng hô nhẹ nhàng,  đó là cách tôi đã thành công khi làm việc với bất cứ phụ huynh khó tính nào.
2.4. Mỗi ngày đến trường là một niềm vui
      “ Em cắt tóc gọn và đẹp quá!”, “ cô thích em để bím tóc”, “ chúc mừng sinh nhật em….”,“ hôm nay cô thấy em buồn”, “ tuần này cha, mẹ có về thăm không”, “tuần này em ... xuống phong độ vậy”  hay những tình huống dỡ khóc dỡ cười và đáng yêu của các em cho nhau, đó là thủ thuật giáo viên chủ nhiệm cài vô cho lớp. Khi các em nhận được sự quan tâm từ thầy (cô), bè bạn sẽ không còn cảm giác cô độc. Các em sẽ mở lòng, hoạt bát hơn, mến lớp hơn, yêu bạn bè như chính người thân. Ở đó em có được niềm vui và hạnh phúc - đây là cách để duy trì sĩ số.
2.5.Tiết sinh hoạt lớp mong đợi
       Tiết sinh hoạt lớp của tôi bình thường lắm, cũng là sinh hoạt tự quản, tổng kết phương hướng nhưng ở đó là những ánh mắt đầy yêu thương không có hình phạt, không giận hờn, không quát tháo. Ở đó chỉ có tự giác nhận thấy khuyết điểm và cam kết sửa chữa với chính bản thân và niềm tin tôi gởi cho các em bằng những câu chuyện thấu tình đạt lí “ cây đinh” khi các em phạm lỗi, “ chiếc bình nứt” khi các em thiếu tự tin, bằng những bài thơ, câu danh ngôn để các em tự rút ra bài học.
        Mỗi tuần một câu chuyện hoặc bài thơ trích từ nghệ thuật sống tôi tìm trên internet, tuy đơn giản nhưng nó có ý nghĩa sâu sắc, tạo được lòng tin, các em sẽ quay về với tôi.
2.6. Cô giáo như mẹ hiền
   Giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò lãnh đạo trong lớp học. Để đưa lớp phát triển toàn diện giáo viên cần:
- Hãy sẵn sàng nhận trách nhiệm để thành công hay thất bại. Một khi tôi nhận trách nhiệm là một lần tạo điều kiện cho các em rèn kĩ năng, vận dụng óc sáng tạo. Hành động dẫn tới sáng tạo.
Tham gia văn nghệ kĩ niệm 8/3 “khát vọng”

    - Phải lắng nghe cảm xúc của học sinh thay vì một sự thiếu nhạy bén “ vì nhiệm vụ “. Nhất là khi học sinh phạm sai lầm, tôi tìm hiểu kĩ nguyên nhân, hoàn cảnh đôi lúc tôi hóa thân thành người cha, người mẹ để đạt hiệu quả giáo dục.                                                                       
       -Tôi quan niệm  muốn được yêu thương hãy yêu thương trước, hãy hiến mình trước, tôi yêu thương các em cùng chia sẻ với các em. Xuất phát tự sự tận tâm, tình yêu như chính người thân của mình sẽ thể hiện qua ánh mắt và hành động. Tôi hiểu các em và các em hiểu tôi, chia sẻ cùng tôi “ cô ơi em bé hết bệnh chưa?” “ cô ơi, ai giữ em cho cô đi công tác ?”. Một tập thể chỉ có tình yêu và tình yêu ấy đã vượt qua mọi thử thách.
- Một vài học sinh lớp đậm nét “phong trần” bôn ba tìm việc làm trong thời gian rãnh, các em không sợ gì hết, hành xử theo kiểu cá nhân dị thường- tôi kiên nhẫn. Tôi dùng thời gian, tình yêu, sự bao dung để thuyết phục các em về một quan điểm mới.
-Một người mẹ thương con phải cho roi cho vọt, không phải là quát tháo chê bai mà phải nghiêm túc để dạy các em lẽ đúng sai từ cách ăn nói, giao tiếp, kỉ luật ở lớp ở trường.
-Hãy để các em nói, cho các em chút thời gian, “động viên không lời”, xem những lỗi lầm của em là những “ sự cố” nhỏ trong quá trình học tập và hoạt động, gieo cho các em niềm tin, giúp các em nhận thấy được năng lực sở trường của mình

3.HIỆU QUẢ:
 Qua thời gian thực hiện phong trào chuyển biến rất rõ nét.
-Các lớp tôi chủ nhiệm đã khắc ghi vào lòng một cảm giác thật khó tả. đó chính là tình yêu thương ngự trị trong lòng tấc cả các thành viên. Không có học sinh nào bị kỷ luật, các em nỗ lực hết mình trong học tập, cống hiến hết mình trong các hoạt động phong trào. Từng thành viên biết phát huy năng lực sở trường.
-Năm học 2010-2011, ở lớp 10A1:
        +Học sinh trong lớp đoàn kết hơn, vững vàng hơn và đạt nhiều thành tích.                                                                                 
        +Thành tích xuất sắc về xây dựng lớp học thân thiện học sinh tích cực.
        +Giải nhất, nhì các tháng về phong trào “sinh hoạt tự quản”.                                                        +Giải nhất phong trào đố vui ôn tập.
        +Giải 3 phong trào “thanh niên với văn hóa giao thông”.
Lớp học thân thiện học sinh tích cực xuất sắc

        +Dã ngoại 3 cuộc.
        +Viếng nghĩa trang liệt sĩ : 2 lần.                                                             
        +Đứng đầu trong các hoạt động quyên góp trong năm, vận động hỗ trợ học sinh nghèo, tiếp sức đến trường, ủng hộ đồng bào Nhật Bản gặp thiên tai, quà tết cho học sinh nghèo,… hơn 4.870.000 đồng
        +Giải  khuyến khích “hùng biện về môi trường”.
        +Thực hiện hơn 12 lần lao động vệ sinh toàn trường.
        +Giải nhì phong trào thi đua toàn diện.
        +Học sinh tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động văn nghệ: 6 tiết mục đêm diễn tiếp sức đến trường.
       +Thành tích cao trong TDTT: giải nhất bóng đá nam, giải phong cách bóng đá nam.
       +Trong năm không có tình trạng học        sinh bỏ học hay có ý định nghỉ học.
                                                      Em Cao Văn Tờ (đứng giữa)-học sinh giỏi nhất khối 10
       +Các thành viên gắn bó mật thiết, yêu thương, đoàn kết và hỗ trợ nhau cùng tiến bộ  -Xây dựng lớp học an toàn, không có tai nạn xảy ra khi tham gia các hoạt động vui chơi, học tập.
      +Về hạnh kiểm: 100% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, không bị xử phạt, kỉ luật. Ý thức cao trong mọi hoạt động.
Từ các phong trào đã tôi luyện cho các em bản lĩnh, xung kích  trên các lĩnh vực. Các em biết tự lập kế hoạch, tự đạo diễn các chương trình văn nghệ. Mặt học tập, cuối năm có 19 học sinh giỏi, 23 học sinh tiên tiến, em Cao Văn Tờ (chuyên gia của các câu chuyện lịch sử) đạt danh hiệu học sinh giỏi nhất khối.    
-Năm học 2011-2012 tôi cũng áp dụng những sáng kiến này trong công tác chủ nhiệm lớp 12A6 (ban cơ bản). Từ một lớp chỉ có 1/39 học sinh tiên tiến, 6/39 học sinh xếp loại yếu,  (sơ kết giữa kì) đã đạt được những thành tích trên nhiều lĩnh vực:
            +Giải 3 phong trào giáo viên chủ nhiệm giỏi
            +Giải nhất cuộc thi “ môi trường trong xây dựng nông thôn mới”
            +Giải nhì cuộc thi “tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên”
            +Giải 2 cuộc thi “ thanh niên với phòng chống ma túy HIV/AIDS     
            +Việc phát huy năng lực sở trường của học sinh đã mang lại rất nhiều thành tích trong các hoạt động phong trào. Từ đó tôi khẳng định với các em rằng mọi ước mơ vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp điều có thể nếu các em thật sự cố gắng và xác định đúng mục đích, tìm đúng hướng đi. Đến cuối năm học có 19/39 học sinh tiến tiến (tăng 18 học sinh),  4 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1, 3 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 2, 5 học sinh đỗ cao đẳng.
         +Hoạt động quyên góp trong năm: dẫn đầu vận động quyên góp ủng hộ nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn (320.000đồng), tiếp sức đến trường, quà tết cho học sinh nghèo,… với số tiền 3.870.000 đồng
            +Thực hiện hơn 10 lần lao động vệ sinh toàn trường.
            +Thành tích cao trong TDTT:
●Giải nhất đá cầu nữ, đẩy tạ nữ; giải nhất đẩy tạ nam; giải nhì đá cầu nam; giải ba nhảy cao nam trong hội khỏe phù đổng cấp trường.
●Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh 8 học sinh tham gia, đạt huy chương vàng bóng đá nữ, huy chương đồng taekwondo, huy chương bạc đá cầu nam.
            +Các thành viên gắn bó mật thiết, yêu thương, đoàn kết và hỗ trợ nhau cùng tiến bộ                   +Xây dựng lớp học an toàn, không có tai nạn xảy ra khi tham gia các hoạt động vui chơi, học tập.
-Trong 2 tháng đầu năm 2012-2013 bản thân được phân công chủ nhiệm lớp 12A1. Lớp thuộc ban khoa học tự nhiên rất nhiều thế mạnh nhưng cũng không ít trở ngại. Điều bản thân trăn trở nhất đó việc thiếu đồng lòng, lợi ích cá nhân đặt trên lợi ích tập thể. Bằng sự nhiệt tình, tận tâm, dùng trái tim để cảm hóa các em, bước đầu đã đạt được những thành tích nhất định trong các hoạt động học tập cũng như phong trào:
            +Đã có sự hợp tác, nhất trí cao của các thành viên lớp trong nhiều lĩnh vực. Các em đã thành lập các câu lạc bộ “A, B, C, D” đi vào hoạt đông, hoạt động hỗ trợ học sinh yếu đã có chuyển biến tích cực.
            +Tham gia thi vẽ trong lễ khai giảng đạt giải 2
            +Tham gia 6 tiết mục văn nghệ trong các hoạt động lễ hội, SHDC, 20/10,…
            +Có 5 đoàn viên được khen thưởng  trong hoạt động đoàn, 1 đoàn viên đắc cử ban chấp hành đoàn trường.
            +Giải nhất “nữ sinh trổ tài giải toán”
            +Giải nhất “ nữ sinh trổ tài nghệ thuật sân khấu.
            +15 học sinh tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh
         Có những ước mong đôi khi không hề vĩ đại, nó thật bình dị, thật chân thành và rất thật. Niềm vui, hy vọng, sự thành công của học sinh cũng chính là niềm hạnh phúc trong tim tôi và không phai mờ theo năm tháng, đặc biệt với lãnh đạo và giáo viên trường THPT Vĩnh Xuân. Những thành tích mà chúng tôi đã đạt, được truyền từ ngọn lửa nhiệt huyết, niềm tin cháy bỏng của lãnh đạo nhà trường vào tầm nhìn “tập thể của những người có khát vọng vươn lên, có cội nguồn truyền thống và được trang bị tốt cho tương lai”, sứ mạng “ giáo dục học sinh thành những công dân hữu ích, biết quan tâm đến cộng đồng, phụng sự tổ quốc”
4.KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG
Qua ba năm thực hiện phong trào xây dựng lớp học thân thiện học sinh tích cực ở các lớp chủ nhiệm, với kết quả trên tôi thấy rằng đây là một giải pháp rất hiệu quả. Có ý nghĩa tích cực giáo dục toàn diện các em trong giai đoạn mới. Đáp ứng mục tiêu giáo dục, hinh thành nhân cách, kĩ năng sống, bản lĩnh, nhạy bén trong học tập cũng như cuộc sống. Góp phần thực hiện thanh công, giữ vững danh hiệu “ trường học thân thiện, học sinh tích cực” xuất sắc.
Trong quá trình thực hiện tôi đã cùng thảo luận, chia sẻ cùng các đồng nghiệp trong tổ, các đồng nghiệp làm công tác chủ nhiệm, được công đoàn, đoàn thanh niên đánh giá cao và giới thiệu dự giờ rút kinh nghiệm.
Đặc biệt sáng kiến này có thể áp dụng cho tấc cả các đối tượng học sinh chủ nhiệm. Cùng với tâm huyết của “người lái đò”, sự sáng tạo không ngừng thể hiện đặc thù của nghề dạy chữ-dạy người, tôi tin tưởng vào thế hệ tương lai mà chúng ta đào tạo.
 Quá trình giáo dục toàn diện một con người, ở độ tuổi mới lớn rất cần tình yêu thương. Đã là giáo viên chủ nhiệm thì những việc tôi làm như trên thật không khó. Chỉ cần sự nhẫn nại, lòng khoan dung, sự gần gũi sẻ chia sẽ tạo môi trường vui chơi học tập lành mạnh cho học sinh. Tôi thấy lớp học thân thiện là mô hình rất hữu ích để giáo dục toàn diện học sinh.
5.KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
5.1.KẾT LUẬN
"Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường". Đó là những điều mà tôi áp dụng cho lớp chủ nhiệm của mình. Tôi quan niệm khi học sinh phạm sai lầm, chúng ta hãy nhìn em bằng đôi mắt khoan dung, nhân hậu. Hãy gửi cho em những lời động viên, chia sẻ, và biết đâu trong những lời động viên ấm áp đó em lại có thể đứng lên và vững vàng bước tới. Bằng sự tâm huyết với phong trào, bản thân tôi đã có nhiều cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, chia sẻ các kinh nghiệm chủ nhiệm cùng đồng nghiệp. Qua thời gian thực hiện tôi rút ra những kinh nghiệm như sau:
            -Giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững đặc điểm tình hình lớp, theo dõi sát sao các hoạt động của lớp, uốn nắn kịp thời.
            -Giáo viên chủ nhiệm lui dần về vị trí cố vấn, tạo mọi điều kiện để học sinh mạnh dạn phát huy vai trò cá nhân, sáng tạo không ngừng và hành động nhiều hơn nói.
            -Giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp tốt các môi trường giáo dục và phát huy vai trò của các môi trường này một cách khéo léo để có sự đồng thuận trong hoạt động.
            -Giáo viên chủ nhiệm cần kiên nhẫn, bao dung, phát huy ánh mắt và nụ cười hiền từ. lắng nghe và chia sẻ, hóa thân khi cần.
            -Giáo dục học sinh bằng cách nêu gương, bằng những câu chuyện, bài thơ, danh ngôn ngắn và dễ hiểu để các em tự nhận ra mình là ai, mình cần gì, mình phải làm gì, tương lai mình như thế nào.
            Như vậy lớp học chỉ thân thiện khi học sinh tìm được niềm vui ở đó, tìm được sự tin tưởng, tìm được tình bạn trong sáng, tình thầy trò cảm động. Nơi các em được ươm mầm, được chăm sóc và thực hiện những khát vọng cháy bỏng của đời mình.
            “Có ca sĩ nào hát hay mà khán giả nửa chừng bỏ về không? Có vở kịch nào hấp dẫn mà khán giả nói chuyện riêng và ồn như cái chợ không? Phải thấy rằng: một giờ học mà học sinh ồn ào, không phải do lớp mất trật tự mà do năng lực sư phạm của chúng ta” một lớp học mà học sinh không mạnh dạn, chậm chuyển biến, yếu kĩ năng, vô tâm với mọi vấn đề là điều giáo viên phải trăn trở, phải đau để tìm ra biện pháp. Tôi luôn nhớ mình đang thực hiện thiên chức “trồng người”. Tôi luôn tin rằng qua phong trào này cùng tình yêu và sự say mê với nghề chắc chắn "Ngày mai cây lúa lên đòng. Lại xanh như đã từng không mất mùa".
            Đó là những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phong trào “xây dựng lớp học thân thiện, học sinh tích cực” của bản thân. Rất mong được sự đóng góp nhiệt tình của quý đồng nghiệp để tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ “trăm năm trồng người”. Xin trân thành cảm ơn!
5.2.ĐỀ XUẤT:
          Để rèn kĩ năng cho học sinh trong các hoạt động vui chơi, học tập cũng như trong cuộc sống tôi có đề nghị sau đối với đoàn trường:
            -Tổ chức cho các cán bộ đoàn, cán sự lớp tham quan, giao lưu cùng các cán bộ đoàn, cán sự lớp với trường bạn.
            -Tổ chức thường xuyên các lớp rèn kĩ năng sinh hoạt tập thể, kĩ năng hoạt động đoàn.
            -Đoàn cần chủ động thời gian tổ chức các hoạt động phong trào. Các phong trào đã tổ chức phải đảm bảo tính liên tục, thường xuyên, có kiểm tra, tránh bỏ dỡ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét