Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Vị khách và món quà


Anh chàng đó đã ngồi trong cửa tiệm của tôi gần một buổi sáng rồi. Cử chỉ và hành động của vị khách đó khiến tôi chú ý.

Anh ta cứ săm soi trước kệ nhạc ca cổ, mắt dán vào từng bìa đĩa như thể muốn học thuộc tất cả các bài hát trong đó. Thỉnh thoảng, anh ta lấy điện thoại di động gọi cho ai đó để rồi thở dài khi được nghe trả lời.

Hơn 11 giờ, tôi sắp xếp lại mớ đĩa khách hàng lục tung lên ban sáng, sẵn tiện ghé qua hỏi thăm anh chàng kia.

- Anh đã chọn được đĩa ưng ý chưa ạ? - tôi lịch sự kéo ghế ngồi cạnh - Anh có hứng thú với ca cổ à?

- À, tôi mua cho bà! - anh ta nhỏ nhẹ.

Sẽ chẳng ai tin nếu nhìn cách ăn mặc của anh chàng đó: quần jean, áo thun hai lớp, mũ lưỡi trai vẽ quằn quại, giày bata boot to dày và chiếc balô gắn đầy những sợi xích mảnh loằng ngoằng. Làm sao một thanh niên ăn mặc bụi bặm như thế lại có thể dành cả buổi để chọn cho bà mình một đĩa hát hay.

- Tôi đã gọi hết cho mọi người để hỏi nhưng chẳng ai giúp được...

Tiếng thở dài nghe thật xót xa. Tôi biết làm gì bây giờ? Cho anh ta lời khuyên sao?

- Anh nên gọi cho bà anh - tôi gợi ý - Anh hãy hỏi bà nên mua đĩa nào để tặng cho ông của người bạn chẳng hạn...

Anh ta lắc đầu.

Chắc anh ta sợ bà biết hay đơn giản là ngại. Bằng kinh nghiệm của một người bán hàng lâu năm, tôi cố cùng anh ta chọn đĩa.

- Anh hãy nói sơ qua về bà anh đi, tôi sẽ chọn hộ cho! - tôi gợi ý.

Thế là suốt hai giờ hôm đó, tôi đã bỏ bữa trưa để cùng một người lạ tìm đĩa hát làm quà cho bà anh ta - một phụ nữ mà tôi không biết mặt. Thật may mắn, cuối cùng chúng tôi cũng ưng ý được một đĩa.

- Quà sinh nhật cho bà anh à? - tôi tiễn người khách ra cửa - Anh là người cháu hiếm có!

- Hôm nay là giỗ thứ 20 của bà! - anh ta trả lời khi dắt xe xuống lòng đường - Cảm ơn cô nhé!

- Ừ, quà không phải lúc nào cũng chỉ tặng cho người sống.

NGUYỆT THIÊN
Nguồn: Tuổi Trẻ

Một cốc sữa

Có một cậu bé nghèo hàng ngày thường đi đến từng nhà gõ cửa để bán báo trên đường tới trường học. Một hôm, chiếc dạ dày lép kẹp của cậu đột nhiên dở chứng. Cậu bé thò tay vào túi, chỉ còn lại duy nhất một đôla cuối cùng.


Cậu định dành dụm 1 đôla để mua thức ăn cho mấy đứa em ở nhà. Tần ngần một lát, cậu bé quyết định đi đến một ngôi nhà phía trước để xin chút đồ ăn. Thế nhưng cậu hầu như mất hết can đảm khi mở cửa cho cậu là một cô bé xinh đẹp, dễ thương. Bối rối và ngập ngừng, nên thay vì hỏi xin thức ăn, cậu bé chỉ dám xin một cốc nước.

Cô bé trông thấy dáng vẻ nghèo khổ và đói lả đi của cậu, nên thay vì mang nước cô đã đem lại cho cậu bé nghèo một cốc sữa lớn. Cậu bé uống một cách ngon lành và chậm rãi. Sau đó, cậu mới rụt rè hỏi cô gái: “tôi nợ cô bao nhiêu?”

“Bạn không nợ tôi cái gì cả”- cô gái trả lời. “Mẹ đã dạy chúng tôi là không bao giờ được chấp nhận trả cho một lòng tốt”. Cậu bé cảm động nói “từ sâu thẳm trái tim, tôi thành thực biết ơn cô”.

Sau đó, Howard Kelly - tên của cậu bé, rời khỏi ngôi nhà cô bé tốt bụng đó, nhưng cậu không chỉ cảm nhận được sự khỏe khoắn trở lại của cơ thể, mà cậu còn có lòng tin tưởng hơn vào lòng tốt của con người. Điều đó giúp cậu mạnh mẽ hơn, không chịu khuất phục và từ bỏ số phận.

Nhiều năm sau đó, cô gái trẻ tốt bụng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ địa phương đã cố gắng nhưng cũng không thể làm thuyên giảm bệnh. Cuối cùng họ quyết định chuyển cô gái lên bệnh viện thành phố - nơi các chuyên gia có thể chữa khỏi cho cô.

Trong số các bác sĩ, bác sĩ Howard Kelly cũng được mời hội chẩn. Khi anh nghe tới cái tên địa danh nơi mà cô gái sống, có một tia sáng chợt lóe lên trong mắt anh. Ngay lập tức anh đứng bật dậy. Chạy xuống đại sảnh bệnh viện và bước vào phòng cô gái.

Trong chiếc áo choàng bác sĩ, anh bước tới gần giường bệnh cô gái. Và ngay lập tức anh đã nhận ra cô. Sau một thoáng, anh quay trở lại phòng hội chẩn và đề nghị được là người phụ trách ca bệnh đó, và anh sẽ làm hết sức mình để cứu sống cô gái. Kể từ hôm đó, anh luôn có một sự quan tâm đặc biết tới ca bệnh của cô gái.

Sau một thời gian chống chọi, cô bé thuyên giảm bệnh và cuối cùng khỏi hoàn toàn. Trước ngày cô gái xuất viện, bác sĩ Kelly đã yêu cầu nhân viên quầy thu ngân chuyển hóa đơn tới phòng của anh.

Vị bác sĩ nhìn lên tờ hóa đơn, sau đó, anh viết lên mặt hóa đơn trước khi nó được gửi tới phòng bệnh của cô gái. Cố gái e dè mở ra đọc, và cô chắc mẩm rằng có lẽ cô sẽ phải làm việc cật lực cả đời mới trả hết hóa đơn này.

Cuối cùng, cô cũng cam đảm nhìn thẳng vào tờ hóa đơn, nhưng cô thật sự ngỡ ngàng khi trên phần đầu hóa đơn ghi dòng chữ:

“Hóa đơn đã được thanh toán bằng một cốc sữa.

Kí tên,
Bác sĩ Howard Kelly”.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Cây nến và ngọn hải đăng

Một tối nọ, cụ già lấy trong hộp ra một cây nến nhỏ và bắt đầu leo lên một cây cầu thang xoắn ốc.
Cây nến hỏi: “Chúng ta đi đâu vậy?”

“Chúng ta đi lên chỗ cao hơn ngôi nhà ở để chỉ đường cho các tàu biển vào cảng an toàn”.

“Nhưng sẽ không có chiếc tàu nào trong cảng có thể thấy được ánh sáng của tôi – cây nến nói - bởi vì tôi quá nhỏ !”

Cụ già đáp: “Nếu ánh sáng của ngươi nhỏ, ngươi chỉ có việc giữ ánh sáng, còn mọi việc khác để ta lo”.

Khi họ lên trên đỉnh cao, họ đến bên một cây đèn lớn. Cụ già lấy cây nến ra thắp sáng chiếc đèn. Chẳng mấy chốc, những tấm gương phản xạ lớn ở phía sau chiếc đèn chiếu những chùm sáng dọi xa hàng dặm ngoài biển khơi.

Bạn thân mến, đôi khi chúng ta nghĩ mình quá bé nhỏ và không thể làm điều gì giúp cho gia đình và xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, Thế giới của chúng ta sẽ thay đổi nếu mỗi người có những hành động bé nhỏ ấy qua từng ngày, từng giờ...

Các em thương yêu! hi vọng rằng các em đừng tự ti vì mình chưa giỏi mà hãy tự kiểm rằng mình thật sự còn thiếu và còn chưa đạt một số lĩnh vực. Từ đó cố gắng từng giây, từng phút, bằng cả suy nghĩ và hành động.
Chúc các em của cô sẽ là những học sinh giỏi như thầy cô và người thân đang đợi nhé!

Hãy làm việc tốt bằng trọn con tim của bạn



Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau...!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" - cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.
- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?
- Hai nghìn một mớ - Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.

Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.

Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.

Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.

Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
- Bà bán rau chết rồi.
- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? - chị bán nước khẽ hỏi.
- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.
- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.

Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.

Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ...!
Vườn ươm tâm hồn